Ban Giám đốc Điều hành của IMF Kết luận về Đợt Tham vấn Điều IV năm 2023 với Việt Nam

Ngày 27 Tháng Chín, 2023

Washington, DC: Vào Ngày 30 Tháng 8, 2023, Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kết luận về Đợt Tham vấn Điều IV của Điều lệ Quỹ 1 với Việt Nam.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh sau đại dịch nhờ các yếu tố nền tảng kinh tế mạnh mẽ và quản lý y tế công thận trọng trong đại dịch. Tăng trưởng GDP đạt mức cao kỷ lục là 8% - cao nhất kể từ những năm 90, nhờ vào cầu trong nước và nước ngoài mạnh mẽ. Lạm phát trung bình được giữ ở mức 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu (4%), mặc dù sức ép giá cả tăng lên trong năm.

Tuy nhiên, sự phục hồi này đã bị chững lại do các cơn gió nghịch mạnh mẽ tác động tới nền kinh tế vào cuối năm 2022 và trong nửa đầu năm 2023. Căng thẳng tài chính tại các doanh nghiệp phát triển bất động sản xuất hiện vì các điều kiện cho vay thắt chặt hơn, những rào cản pháp lý và doanh số bán hàng chậm lại, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng khi các nhà đầu tư mất lòng tin. Sức ép tỷ giá gia tăng trong cả năm 2022 khi lãi suất toàn cầu tăng mạnh, và một ngân hàng khá lớn trong nước bị rút tiền gửi hàng loạt vào tháng 10 năm 2022 và bị đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng do cầu nước ngoài sụt giảm kể từ cuối năm 2022, với xuất khẩu giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Sức ép thanh khoản, ngoại hối và lạm phát đã dịu bớt, nhưng tăng trưởng giảm tốc đáng kể và dự kiến sẽ chậm lại, xuống mức 4,7% năm 2023 nhờ xuất khẩu tăng trở lại và các chính sách nới lỏng (đặc biệt là chính sách tài khoá). Dự kiến lạm phát vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5%. Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng cao trong về trung hạn, với hỗ trợ của các cải cách cơ cấu.

Đánh giá của Ban Giám đốc Điều hành2

Các Giám đốc Điều hành nhất trí với nội dung chính trong đánh giá của cán bộ Quỹ. Họ hoan nghênh các cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng để duy trì ổn định tài chính- vĩ mô khi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch phải đối mặt với các cơn gió nghịch cả trong và ngoài nước. Họ lưu ý rằng rủi ro vẫn gia tăng và cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sự ổn định tài chính-vĩ mô và thúc đẩy cải cách sâu rộng để giải quyết những điểm dễ bị tổn thương và đảm bảo tăng trưởng xanh, mạnh mẽ và bao trùm trong trung hạn. Tiếp tục tăng cường năng lực là rất quan trọng để hỗ trợ các cải cách.

Các Giám đốc Điều hành lưu ý rằng do còn nhiều không gian tài khoá, trong khi dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ bị hạn chế, chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế nếu cần thiết. Trong bối cảnh này, các Giám đốc điều hành hoan nghênh kế hoạch của các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy thực hiện đầu tư công, việc này đòi hỏi tháo gỡ các nút thắt, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các mạng lưới an sinh xã hội nhằm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các Giám đốc Điều hành khuyến nghị cần củng cổ khuôn khổ tài khoá và quy trình lập ngân sách và tăng huy động thu ngân sách trong trung hạn để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đầy tham vọng.

Các Giám đốc Điều hành hoan nghênh các cơ quan chức năng đã kiểm soát hiệu quả rủi ro lạm phát, nhưng nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng trong bối cảnh phức tạp và dư địa chính sách còn hạn chế. Họ hoan nghênh các bước đi tiến tới tỷ giá linh hoạt hơn và khuyến khích tiếp tục đạt được những tiến bộ trong lĩnh vực này cùng với hiện đại hoá khuôn khổ chính sách tiền tệ.

Các Giám đốc Điều hành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính bằng cách củng cố các đệm vốn, xóa bỏ dần các quy định cho phép gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ và xử lý nợ xấu đang gia tăng. Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tiến bộ công cụ của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn và quản lý khủng hoảng ngân hàng thông qua tăng cường các khuôn khổ xử lý ngân hàng và cấp thanh khoản khẩn cấp, và hoan nghênh sửa đổi Luật Các Tổ Chức Tín Dụng đang diễn ra. Cần tiếp tục nỗ lực củng cố những quy định điều tiết pháp lý và giám sát ngân hàng.

Các Giám đốc Điều hành ghi nhận các cơ quan chức năng đã hành động nhanh chóng nhằm kiềm chế rủi ro trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Họ khuyến nghị cần có những hành động kiên quyết nhằm giải quyết các rủi ro khác như củng cố khuôn khổ xử lý mất khả năng thanh toán, củng cố thể chế và tăng tính minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các Giám đốc Điều hành nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu và cải cách khí hậu nhằm đạt được tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững. Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng trọng yếu và đầu tư vào nguồn vốn con người. Các Giám đốc Điều hành hoan nghênh Quy hoạch Điện 8 mới ban hành và Hệ thống Mua bán Phát thải theo kế hoạch nhằm giúp đạt được các mục tiêu khí hậu của Việt Nam và củng cố an ninh năng lượng. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến tới thực hiện chiến lược và xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo và huy động vốn tài trợ cho chuyển đổi xanh. Việc thực hiện Đánh giá Quản Lý Đầu tư Công- Khí hậu sẽ rất hữu ích.

Các Giám đốc Điều hành hoan nghênh nỗ lực phòng chống tham nhũng của các cơ quan chức năng và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường quản trị, cải thiện khuôn khổ Phòng Chống Rửa tiền và Tài trợ Khủng bố (AML/CFT) cũng như đơn giản hoá khuôn khổ quy định pháp lý. Cần có nỗ lực hơn nữa để khắc phục những điểm yếu về số liệu.

Theo dự kiến, đợt Tham vấn Điều IV tiếp theo với Việt Nam sẽ được tiến hành theo chu kỳ chuẩn 12 tháng.

Việt Nam: Các chỉ số kinh tế chọn lọc, 2019–2024

Dự báo

2019

2020

2021

2022

2023

2024

Sản lượng

GDP thực (% thay đổi)

7.4

2.9

2.6

8.0

4.7

5.8

Chênh lệch sản lượng (% GDP)

0.4

-0.4

-1.9

-0.1

-1.1

-1.1

Giá cả (% thay đổi)

CPI (trung bình cả kỳ)

2.8

3.2

1.8

3.2

3.7

3.5

Lạm phát cơ bản (trung bình cả kỳ)

2.0

2.3

0.9

2.7

4.2

3.4

Tiết kiệm và đầu tư (% GDP)

Tổng tiết kiệm quốc gia

35.6

36.3

31.3

33.1

32.4

32.4

Tổng đầu tư

32.0

31.9

33.5

33.4

32.1

31.8

Tư nhân

26.6

24.9

27.2

27.4

25.5

24.8

Công

5.3

7.0

6.2

6.0

6.6

7.0

Tài chính ngân sách nhà nước (% GDP) 1/

Thu ngân sách và viện trợ

19.4

18.4

18.7

19.0

18.4

18.5

Chi ngân sách

19.8

21.3

20.1

18.8

19.6

20.2

Chi

14.5

14.3

13.9

12.8

13.0

13.2

Mua ròng tài sản phi tài chính

5.3

7.0

6.2

6.0

6.6

7.0

Cho vay ròng (+)/vay nợ(-) 2/

-0.4

-2.9

-1.4

0.3

-1.3

-1.7

Nợ của khu vực công và nợ do khu vực công bảo lãnh (cuối kỳ)

40.8

41.1

39.1

35.3

33.6

32.3

Tiền và tín dụng (% thay đổi, cuối kỳ)

Tiền theo nghĩa rộng (M2)

14.8

14.5

10.7

6.2

6.1

6.9

Tín dụng cho nền kinh tế

12.8

11.6

13.5

14.0

9.0

9.7

Cán cân thanh toán (% GDP, trừ khi có chú thích khác)

Cán cân vãng lai (bao gồm các khoản chuyển tiền chính thức)

3.7

4.3

-2.2

-0.3

0.2

0.7

Xuất khẩu f.o.b.

79.6

81.6

90.9

91.4

81.6

80.9

Nhập khẩu f.o.b.

73.2

72.7

86.7

85.0

75.8

75.1

Cán cân vốn và tài chính 3/

5.7

2.4

8.3

2.3

2.5

1.8

Tổng dự trữ ngoại hối (tỷ USD) 4/

78.5

95.2

109.4

86.7

98.7

110.5

Tính theo số tháng nhập khẩu GNFS

3.5

3.3

3.5

2.9

3.1

3.1

Tổng nợ nước ngoài (cuối kỳ)

37.0

37.6

37.9

36.2

36.6

36.5

Tỷ giá danh nghĩa (VND/USD, cuối kỳ)

23,173

23,098

22,826

23,633

...

...

Các hạng mục khác (giá hiện hành):

GDP (tỷ USD)

331.8

346.3

369.7

406.5

438.2

476.9

GDP bình quân đầu người (USD)

3,439

3,549

3,753

4,087

4,365

4,707

Nguồn: Các cơ quan chức năng Việt Nam; và ước tính và dự báo của cán bộ IMF.
1/ Theo mẫu trình bày của Sổ tay Thông kê Tài chính Chính phủ 2001. Các quỹ ngoài ngân sách (EBF) lớn không nằm trong ngân sách nhà nước nhưng vẫn thuộc khu vực chính phủ chung (số thu lên tới 6-7% GDP)..
2/ Không bao gồm cho vay ròng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, và thu chi của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
3/ Bao gồm dự báo giá trị âm của hạng mục lỗi và bỏ sót trong thời gian tới (ví dụ: nhập khẩu không được thống kê và các dòng vốn ngắn hạn chảy ra).
4/ Không bao gồm tiền gửi của chính phủ.



1 Theo Điều IV, Điều lệ của IMF, IMF tiến hành các thảo luận song phương, thường là hàng năm với các quốc gia thành viên. Một đoàn cán bộ Quỹ đến công tác tại quốc gia đó, thu thập thông tin kinh tế và tài chính, và thảo luận với các cơ quan chức năng về tình hình kinh tế và những chính sách kinh tế của quốc gia. Khi trở về hội sở chính, các cán bộ Quỹ sẽ soạn thảo một báo cáo, là cơ sở để Ban Giám đốc Điều hành thảo luận.

2 Khi kết thúc cuộc thảo luận, Tổng Giám đốc Điều Hành và là Chủ tịch Ban Giám đốc Điều hành tóm tắt quan điểm của các Giám đốc Điều hành, và bản tóm tắt này được gửi cho các cơ quan chức năng của quốc gia đó. Có thể xem giải thích về các từ ngữ được sử dụng trong bản tóm tắt tại đường link: http://www.IMF.org/external/np/sec/misc/qualifiers.htm.

Bộ phận Truyền thông của IMF
QUAN HỆ BÁO CHÍ

NHÂN VIÊN BÁO CHÍ: Pemba Sherpa

ĐIỆN THOẠI: +1 202 623-7100Email: MEDIA@IMF.org